Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Đại đức Thích Thanh Thắng: CHỮ "TÍN" Ở MIỆNG

Chữ "Tín" ở miệng
Đại đức Thích Thanh Thắng

Xã hội Việt Nam đang diễn ra một nghịch lý trong đời sống ứng xử đó là họ vừa kỳ vọng vào chữ “tín” và họ vừa chối bỏ chữ “tín”. Chữ tín là chữ đứng thứ năm trong quan hệ ứng xử của đạo Nho (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Một số người xem chữ “tín” gần với giới “vọng ngữ”(nói dối) của đạo Phật, bởi người không nói dối cũng là người có chữ “tín”.

Những năm gần đây, giới doanh nhân nổi lên trở thành một “giai tầng” mới của xã hội, và chữ tín được quan tâm trở lại tới mức gần như lạm dụng. Đến bất kỳ đâu, gặp bất kỳ doanh nghiệp nào, hầu hết mọi người đều được nghe chữ “tín” thốt ra từ miệng của họ. Nhưng vì sao nhiều người nói về chữ tín như vậy, nhưng xã hội lại ngày càng ít người tin? Cụ thể vừa qua một tác giả bài báo đã phải than rằng, người dân Việt Nam buồn bã đón nhận thông tin nước mình “hạnh phúc thứ hai thế giới”, và ngay lập tức họ chối bỏ cái “hạnh phúc” ấy, vì tự họ biết rõ là nước họ đang có hạnh phúc hay không.

Chữ “tín” mà các doanh nghiệp Việt Nam bày ra phải trả lời ra sao trước thực tế tài nguyên thiên nhiên bị khai thác đến kiệt quệ, rừng bị tàn phá, sông suối ao hồ bị ô nhiễm, giá trị chất lượng sản phẩm thấp, lương công nhân rẻ mạt không đủ sống, đạo lý xã hội xuống cấp… Tới mức có cử tri than với Chủ tịch nước rằng: “Ăn vừa phải thôi, ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn”. Chữ tín phải đối mặt thế nào với việc tiến tới mô hình chủ nghĩa xã hội tốt đẹp trong khi tham nhũng lại được xem là “quốc nạn”? Cứ bảo người dân là “tin tôi đi” thì họ sẽ tin ngay được hay sao?

Ngài Chủ tịch nước chẳng phải đã từng thốt lên: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này” hay sao?

Vì sao cái đất nước này “chết”, ngài Chủ tịch nước có biết không? Vì người ta chỉ có cái chữ “tín” ở miệng, còn cách hành xử thì luôn đi ngược lại với lợi ích của đất nước và của nhân dân. Khi chữ “tín” chưa thực sự trở thành hộ pháp để nâng đỡ cho sự trong sạch của đất nước này, thì một sự bất tín muôn đời vẫn là vạn sự chẳng tin. Những người quản trị quốc gia mà không sống trọn vẹn với chữ này, thì làm sao thuyết phục nhân dân sống chết với nó.


Ảnh: Tượng Hộ Pháp, chùa Bút Tháp, Bắc Ninh.

3 nhận xét :

  1. Đạo gắn với đời. Đọc văn Đai đức, ngắm hình Đại đức, quả thấy Người xứng danh Đại đức.

    Trả lờiXóa
  2. Vấn đề Đại đức đưa ra cực kỳ chính xác !

    Trả lờiXóa
  3. Nói được phải làm được...

    TH

    Trả lờiXóa